Thị trường ngành làm đẹp bát nháo vì chưa có tiêu chuẩn cụ thể và người chịu thiệt là khách hàng. Vì thế, sau đại dịch COVID-19 cần có tiêu chuẩn cụ thể giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp cả về người và tài sản. Theo thống kê, trên thế giới đã có gần 3 triệu người người mắc COVID-19, trong đó 203.000 người tử vong và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính phủ các nước đã phải đóng cửa biên giới, tung ra các gói cứu trợ lên đến hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 270 người mắc, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Dù tạm thời chưa có thiệt hại về nhân mạng song ảnh hưởng đối với nền kinh tế thì ai cũng thấy rõ và không ngành, lĩnh vực nào không bị ảnh hưởng trong đó có lĩnh vực thẩm mỹ, làm đẹp. Để doanh nghiệp ngành này có thể vượt qua bão và phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau dịch góp phần phát triển trong nền kinh tế nói chung thì ngay từ bây giờ cần những giải pháp cụ thể.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Trường Linh – Phó Chủ tịch Hội Đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, Giám đốc Công ty Cổ Phần Labo De Dermafirm Việt Nam.

 

Ông Phạm Trường Linh, Phó Chủ tịch Hội Đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, Giám đốc Công ty Cổ Phần Labo De Dermafirm Việt Nam.
– Theo ông, dịch bệnh COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng tới các ngành kinh tế. Đối với các ngành kinh tế thiết yếu đã gặp khó khăn thì với những ngành dịch vụ không thiết yếu như làm đẹp, du lịch, giải trí… được ông nhìn nhận mức độ khó khăn ra sao?

Đúng như vậy. Tôi cho rằng tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nghành chịu thiệt hại trực tiếp là khối du lịch, vận tải, ăn uống, giải trí, thời trang, làm đẹp. Tiếp theo sẽ là bất động sản, tài chính, truyền thông quảng cáo,… và vô vàn những hệ luỵ tiếp nối của tất cả các ngành nghề.

Thực tế đang cho thấy nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đóng cửa, cắt giảm nhân sự. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ giữ lại bộ máy hành chính để vận hành cơ bản, còn lại thì cho nghỉ do không có doanh thu và không đủ điều kiện để cầm cự “nuôi quân”.

Đối với ngành thời trang và làm đẹp, kể cả sau đại dịch COVID-19 vẫn sẽ điêu đứng và chật vật. Vì thời điểm này, mọi người sẽ chú trọng nhiều đến những nhu cầu tiêu dùng cơ bản và thiết yếu. Ngoài ra, việc thắt chặt chi tiêu, ở nhà tránh dịch cũng khiến nhu cầu chưng diện và làm đẹp giảm đáng kể. Do đó, chắc chắn thị trường làm đẹp sẽ bị co nhỏ lại trong ngắn hạn vì nó là nhu cầu không thiết yếu. Trong khi đó, thời trang, làm đẹp dù không phải là ngành thiết yếu nhưng đây lại là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế. Thậm chí, có thể nói rằng ngành này mang đến một nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế nói chung.

 

Triển lãm Beautycare Expo 2020
– Cơ hội nào cho các ngành kinh tế không thiết yếu như làm đẹp, thời trang, thưa ông?

Tôi nhận thấy dịch COVID-19 lần này giống như một liều thuốc thử. Theo đó, những doanh nghiệp yếu kém có thể bị loại, những doanh nghiệp đủ mạnh có cơ hội được tái cấu trúc lại bộ máy. Nhìn nhận một cách tích cực, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp dịch vụ không thiết yếu nâng cao hình ảnh, dịch vụ của mình với khách hàng.

– Riêng đối với ngành làm đẹp theo ông cần “trợ lực” nào từ Chính phủ để có thể phục hồi sau dịch COVID-19?

Trước hết phải nói rằng kể cả trước khi có dịch COVID-19 thì tại Việt Nam vẫn chưa có một tiêu chuẩn nào cho ngành làm đẹp. Hậu quả là đã có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ “biến chất” tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp, sau đó là khiến cho thị trường bị rối loạn, khó kiểm soát về chất lượng.

Như đã nói ở trên, khi đã qua đại dịch thì sẽ còn rất ít doanh nghiệp có thể tồn tại được. Doanh nghiệp nào tồn tại tiếp là những đơn vị có tiềm lực nhất định. Hơn nữa, sau dịch thì người tiêu dùng cũng trở nên khắt khe hơn với việc lựa chọn dịch vụ cả thiết yếu và không thiết yếu. Tôi tin rằng với việc từng bước nới lỏng hoạt động xã hội của Chính phủ, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ đều cẩn trọng hơn trong các hoạt động của mình.

 

Triển lãm Beautycare 2020

Về lâu dài, đây lại là cơ hội cho Chính phủ quy hoạch, chuẩn hoá lại ngành làm đẹp nói chung. Theo đó, cơ quan chức năng cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể làm thước đo cho thị trường phát triển lành mạnh và ổn định. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận ngành làm đẹp một cách nghiêm túc, vì nó giải quyết việc làm cho một lượng lao động khá lớn và rất phù hợp với tố chất khéo léo của người Việt Nam.

Với riêng ngành làm đẹp, tôi mong muốn các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc hơn nữa trong việc đưa ra quy chuẩn hoạt động và chất lượng. Từ đó tạo một môi trường hoạt động lý tưởng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và tạo “sân chơi” lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đây mới là mấu chốt quan trọng để ngành làm đẹp phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông./

Khánh Linh
Nguồn: https://enternews.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here