Mỗi năm người tiêu dùng Việt Nam tiêu tốn xấp xỉ tới 4 tỉ USD chi phí cho mỹ phẩm. Tuy nhiên, 95% doanh thu từ thị phần đó lại đến từ các nước nhập khẩu.

Ngành công nghiệp làm đẹp nói chung và ngành mỹ phẩm nói riêng tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm “Made in Vietnam” còn phát triển èo uột, thiếu sản phẩm có thương hiệu, thậm chí còn lệ thuộc hoàn toàn vào sự ‘xâm lăng” của các thương hiệu ngoại.

Phụ thuộc vào hàng ngoại

Với dân số gần 100 triệu người, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ xấp xỉ hết 4 tỷ USD kinh phí cho mỹ phẩm, tiềm năng của ngành này sẽ còn tăng trong những năm tới do mức tiêu thụ của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Theo số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam là nước có mức độ tiêu thụ mỹ phẩm đứng thứ nhì Đông Nam Á, sau Hàn Quốc. Nhưng điều đáng chú ý là 95% doanh thu của thị phần đó lại mang về cho các nước nhập khẩu, mỹ phẩm Việt chỉ chiếm hơn 5% thị phần. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Nhận định về vấn đề này tại Diễn đàn “Ngành làm đẹp, mỹ phẩm Việt Nam – Cơ hội và thách thức” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, bà Đặng Thị Xuân Hương – Phó Chủ tịch thường trực Hội Đào tạo và Phát triển ngành làm đẹp Việt Nam cho biết: 98% phụ liệu, sản phẩm dùng trong ngành điều trị của các trung tâm Spa và thẩm mỹ viện trên toàn quốc đang phụ thuộc hoàn toàn vào hàng nhập khẩu. Bởi các dòng này được sản xuất và cam kết theo tiêu chuẩn quốc tế, có hiệu quả cũng như độ an toàn cao khi dùng trong và sau quá trình điều trị thẩm mỹ.

Thị trường mỹ phẩm Việt, dư địa lớn

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia và nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước cũng khẳng định chưa có mối liên kết nào giữa các nhà sản xuất và trung tâm thẩm mỹ, gây thiếu thông tin về kênh mỹ phẩm Việt trên thị trường.

Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc công ty Mỹ phẩm Việt Hương, thị trường mỹ phẩm Việt Nam kém phát triển, một phẩn là do nguyên nhân của các nhà sản xuất trong nước hoạt động thiếu cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp, sản xuất không tuân theo quy trình sản xuất, sản xuất chui, không phép, hay nói cách khác là làm và tiêu thụ kem trộn đưa ra đưa ra thị trường, khiến người tiêu dùng bị nhiễm độc về da, như; nhiễm độc corticoid, chì, hoá chất, nổi mụn, dị ứng… Điều này gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất nghiên cứu bài bản.

Dư địa thị trường còn lớn

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen thì dư địa ngành mỹ phẩm còn lớn, sức mua tăng cao, đặc biệt hiện nay với mảng công nghệ và các trang tin xã hội phát triển, người tiêu dùng, dễ dàng tiếp cận mua hàng từ nhiều kênh tiện ích. Do vậy đây là một lợi thế giúp các nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước phát triển.

Cũng theo số liệu phân tích của các báo cáo, thì Việt Nam có tới 60% là nữ giới, trong đó độ tuổi dùng mỹ phẩm chiếm tới 25%, và dòng mỹ phẩm được tiêu thụ mạnh nhất là các sản phẩm tẩy trang, chế phẩm chống lão hoá, sữa rửa mặt, son , phấn….

Tuy nhiên, các dòng này đều được nhập khẩu từ các nước khác nhau và rất ít doanh nghiệp trong nước có đủ chuyên môn, năng lực để nghiên cứu sản xuất được.

Mặc dù được đánh giá là một miếng bánh màu mỡ, song thị trường mỹ phẩm Made in Vietnam chỉ là bàn đạp cho thị trường ngoại phát triển.

Đánh giá về nhận định trên, ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu – Hương liệu – Mỹ phẩm Việt Nam cho biết: Việt Nam hầu như chỉ thực hiện pha chế và bán hàng, nhập nguyên liệu từ các nước về sản xuất, chưa biết cách xây dựng thương hiệu và làm truyền thông.

Trong đó, chiến lược quảng bá thương hiệu được đánh giá khá quan trọng, là cầu nối truyền tải hình ảnh, thông điệp tới trực tiếp người tiêu dùng. Phương thức này được các tập đoàn đa quốc gia làm rất hiệu quả, điển hình như tập đoàn Unilever, P &G, Johnson& Johnson… thì đa số các doanh nghiệp Việt Nam là DN vừa và nhỏ, không đủ kinh phí để đầu tư.

Bên cạnh đó, điều kiện về dây truyền máy móc sản xuất mỹ phẩm được các tập đoàn nước ngoài đầu tư hiện đại, điều này cũng được coi là điểm yếu đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.

Hình minh họa

Do vậy, nhằm chiếm lĩnh thị trường thì các nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước cần có chiến lược và định hướng rõ ràng, thiết lập mối quan hệ, tạo dựng kênh bán hàng trực tiếp tới các dịch vụ thẩm mỹ, và quan trọng hơn là khẳng định được chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Xây dựng giá trị thương hiệu, đi từ chất lượng của sản phẩm để giúp khách hàng quan tâm, tránh bị đánh đồng sang các dòng nhập lậu, hoặc hàng sản xuất kém chất lượng.

Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp làm mỹ phẩm thì Chính phủ cần có cơ chế riêng về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt được sở hữu quyền bảo hộ và quyền sáng chế thương hiệu. Các ban ngành cũng sớm thành lập ra Hiệp hội mỹ phẩm Việt Nam để có tiếng nói đại diện cho ngành mỹ phẩm.

Cũng theo ông Tuấn, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa quy định về quy trình sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam, chẳng hạn như ban hành nghị định, quy định chi tiết về năng lực sản xuất, công bố chỉ tiêu chất lượng mỹ phẩm như nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định về quy trình sản xuất, thực phẩm chức năng. Theo đó, các nhà máy hoạt động sản xuất mỹ phẩm phải đảm bảo năng lực hồ sơ, giấy phép, đạt chuẩn JMP.

Theo https://enternews.vn/