Nước hoa là sản phẩm bị làm giả nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau giày dép, quần áo, theo Hiệp hội các nhà sản xuất chống hàng nhái, hàng giả quốc tế (UniFab), trụ sở tại Pháp.
“Vùng xám” của ngành công nghiệp mùi hương
Theo trang dữ liệu Statista, ngành công nghiệp nước hoa “thật” toàn cầu đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, ước tính sẽ trị giá 52,4 tỷ USD vào năm 2025. Tuy vậy, vấn nạn thật – giả bao lâu nay vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để. UniFab ước tính nước hoa giả khiến các nhà sản xuất, thương hiệu nước hoa hụt đi khoảng 8% doanh số bán hàng (tương đương khoảng 12 tỷ USD) hàng năm, cướp đi việc làm của khoảng 80.000 lao động trực tiếp.
Nguyên lý của nước hoa giả đến từ kĩ thuật sắc ký – một trong các kĩ thuật phân tích thường dùng trong phòng thí nghiệm của bộ môn hoá học phân tích, dùng để tách các chất trong một hỗn hợp. Với chiếc máy sắc ký, các nhà máy chế tạo nước hoa giả có thể dự đoán thành phần của một mùi hương, sau đó đối chiếu các thành phần này với mùi hương gốc. Sau một quá trình “mày mò”, họ tìm ra công thức sát với mùi hương thật nhất.
Thông thường người tiêu dùng cũng không phải chuyên gia nước hoa. Hơn nữa, đa phần người mua phải nước hoa giả cũng chưa từng ngửi được mùi hương gốc. Do đó, việc lừa phỉnh chiếc mũi của đa phần dân số thế giới cũng không khó khăn so với những “chuyên gia” về nước hoa giả.
Thực tế, ngành công nghiệp nước hoa hiện nay đã xuất hiện những xu hướng ghi nhận sự tồn tại của nước hoa giả, nhái. Điều đó tạo động lực cho những nhà điều chế, nhà sản xuất, thương hiệu nước hoa giả. Có hai kiểu làm nước hoa giả phổ biến: nước hoa bao bì giả và nước hoa “copycat”.
Nước hoa bao bì giả sử dụng thiết kế chai và bao bì của mùi hương gốc. Hỗn hợp nước hoa được tạo ra bằng cách thay thế các nguyên liệu trong công thức từ máy sác ký bằng những nguyên liệu hóa học rẻ tiền. Theo bà Delphine Sarfati-Sobreira, giám đốc của UniFab , 80% nước hoa bao bì giả đến từ Trung Quốc, số còn lại được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Đông Âu. Loại nước hoa giả này tương đối dễ nhận biết vì bao bì và chai có thiết kế kém tinh xảo so với chai gốc. Tuy nhiên nó đánh trúng tâm lí sính đồ hiệu mà lại tiếc ví tiền của rất nhiều người tiêu dùng, thường là tầng lớp trung lưu.
Ngày nay, nước hoa bao bì giả được bày bán ở các kênh không chính thức như ebay, một số nhóm Facebook, website đại lý trực tuyến không chính thống, và đủ các cửa hàng tạp hoá, chợ đêm ở bất kì đâu. Tình trạng này cực kỳ phổ biến ở Việt Nam. Rất khó có thể ngăn chặn hình thức buôn bán này vì có đến hàng trăm, hàng nghìn người buôn bán nước hoa giả nhỏ lẻ mà hệ thống luật pháp các nước cùng không thể bao phủ hết.
Loại thứ hai là nước hoa “copycat”. Chỉ cần thay đổi một chút thành phần mùi hương, người ta có thể “né” việc ăn cắp công thức của một loại nước hoa nổi tiếng ăn khách nào đó. Sau đó họ chế ra những sản phẩm “na ná”, rồi thay đổi mẫu mã, bao bì, tên tuổi để “lách luật”.
Thông thường, phần đóng gói bao bì không tinh tế như chai nước hoa gốc để giảm giá thành sản xuất. Thậm chí có những thương hiệu mới ra đời, chuyên sản xuất các loại nước hoa “na ná” các thương hiệu lâu đời như Killian, Creed, …, rồi quảng cáo rầm rộ trên mọi kênh truyền thông, bày bán trực tiếp trên các quầy hàng của các hãng phân phối với giá thành chỉ bằng 1/2, 1/3 so với sản phẩm gốc.
Có trường hợp nước hoa “copycat” còn nổi hơn cả nước hoa thật trong một khoảng thời gian nhất định vì hiệu ứng truyền thông. Đơn cử, một cuộc bầu chọn của độc giả chuyên trang nước hoa Fragrantica năm 2019 đã có 1 hạng mục phụ là “Phiên bản thay thế tốt nhất cho Creed Aventus”. Điều này đã gián tiếp ghi nhận một cách tinh vi xu hướng lưu hành nước hoa giả, nhái “lấy cảm hứng” từ những mùi hương gốc khác trên nguyên lý sao chép và thay đổi một chút.
Chưa có hành lang pháp lý bảo hộ sở hữu trí tuệ
Sự phát triển của thị trường nước hoa copycat chắc chắn không chỉ là “vùng xám” của ngành công nghiệp mùi hương mà còn là “vùng đất bị bỏ rơi” của pháp luật sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, chẳng phải chỉ những nước đang phát triển như Việt Nam mới là “cái chợ” nước hoa giả; mà các nước lớn như Pháp, Mỹ mới là thị trường “béo bở” cho các sản phẩm nước hoa giả tấn công mạnh mẽ nhất.
Hiện nay, thông lệ pháp lý của Pháp và một số quốc gia không công nhận việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nước hoa, vì cho rằng, hương liệu của nước hoa được tạo ra thông qua sự kết hợp của các tinh chất không phải là một dạng biểu hiện hữu hình.
Bên cạnh đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ trên thế giới vẫn chưa thống nhất rõ ràng thế nào là nước hoa sao chép một loại nước hoa khác hay như thế nào là hai mùi hương tương đồng. Nếu vi phạm về bao bì giả, nhái thì bằng chứng rõ ràng rồi phải không? Nhưng nếu vi phạm vì bạn thay đổi vài chất trong một dung dịch rồi tự nhận đó là sự sáng tạo của bản thân thì rất khó để “tóm đuôi” các nhà buôn nước hoa giả.
Tuy vậy, mặc dù biết là đang sử dụng nước hoa giả, rất nhiều người vẫn sẵn sàng “rút hầu bao”. Nguyên nhân chính là giá thành. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra từ 200 đến 500 USD cho một chai nước hoa xịn. Sự lựa chọn này còn trở nên đáng cân nhắc hơn khi mà mùi hương nhái có giá thành chỉ bằng 1/2 đến 1/3 giá tiền mùi hương thật.
Một nguyên nhân khác chính là “sự vô cùng” trong giá trị của một chai nước hoa. Từ xưa đến nay, nghệ thuật luôn là một thứ khó định giá. Các thương hiệu, nhà sản xuất có thể “vẽ vời” ra đủ mọi câu chuyện về nguồn cảm hứng sáng tạo, đam mê nghệ thuật và đẳng cấp cho một chai nước hoa để đẩy chúng lên một cái giá cao ngất ngưởng.
Nhưng phần lớn người tiêu dùng không thể đánh giá được hết giá trị của chai nước hoa mà chỉ dựa vào những thông tin truyền thông, quảng cáo, bán hàng để đưa ra quyết định của mình. Theo đó, quan trọng nhất với số đông vẫn là yếu tố giá thành. Việc bị dẫn dắt bởi dư luận, bị cám dỗ bởi thị trường nước hoa giả bởi giá rẻ cũng là điều dễ hiểu.
Trong nhiều thập kỷ qua, các thương hiệu thật đã phải “đau đầu” nghĩ đủ mọi cách để chống lại vấn nạn giả, nhái, thông qua việc củng cố giá trị thương hiệu và truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Cũng có nhiều liên minh như UniFab ra đời nhằm xây dựng một cộng đồng vững mạnh để tẩy chay hàng giả nhái.
Vì thị trường nước hoa giả ngày càng phát triển tinh vi hơn nên các hãng nước hoa lớn cũng phải thay đổi và thích nghi. Nhìn về trong nước, do vẫn chưa có những quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ đối với mùi hương nên giới nước hoa Việt Nam vẫn còn loay hoay với dự định nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nước hoa mang thương hiệu Việt. Bởi lẽ sáng tạo có thể mất hàng tuần, hàng tháng, hàng năm trời nhưng sao chép có lẽ chỉ trong chốc lát.
Nguồn: https://doanhnhan.vn/nganh-cong-nghiep-nuoc-hoa-gia-tan-cong-thi-truong-my-pham-toan-cau-38584.html