Con người, vật dụng, cảnh kỹ xảo… luôn hiện hữu trong những chiến dịch tiếp thị rầm rộ của các hãng nước hoa hàng đầu thế giới, giữa một thị trường âm ỉ nhưng sôi động bởi sức cạnh tranh khốc liệt.
Hết thảy đều là thứ nghệ thuật để chinh phục khách hàng. Nhằm lăng xê cho cả thế giới biết về loại nước hoa hiệu Coco siêu mới, Hãng thời trang danh tiếng Chanel đã không ngần ngại thuê nguyên cả Nhà hát Opera Paris – một trong những biểu tượng bất hủ tại “kinh đô ánh sáng” của nước Pháp, với mỗi bậc thang là một cặp đèn lồng lung linh hàng chữ “New super Coco” (Coco siêu mới), quanh đó là từng đàn chim bồ câu trắng đông đảo dập dìu vỗ cánh….
Hết thảy đều là thứ nghệ thuật để chinh phục khách hàng. Nhằm lăng xê cho cả thế giới biết về loại nước hoa hiệu Coco siêu mới, Hãng thời trang danh tiếng Chanel đã không ngần ngại thuê nguyên cả Nhà hát Opera Paris – một trong những biểu tượng bất hủ tại “kinh đô ánh sáng” của nước Pháp, với mỗi bậc thang là một cặp đèn lồng lung linh hàng chữ “New super Coco” (Coco siêu mới), quanh đó là từng đàn chim bồ câu trắng đông đảo dập dìu vỗ cánh….
Còn “vua mốt” Karl Lagerfeld, 84 tuổi, cũng là nhà tạo mốt chính của Chanel thì mở lễ hội trong khu công viên khổng lồ, trải dọc đại lộ Champs-Élysées – con đường nổi tiếng nhất Paris và cả Pháp quốc, để giới thiệu loại nước hoa hiệu KL mới mang tên ông vừa được tung ra thị trường.
Tại Italia, các siêu mẫu cự phách phối hợp cùng đoàn nghệ thuật của Nhà hát nhạc vũ kịch và ballet New York gạo cội, đang lôi cuốn mọi người tham gia vào những vũ hội triền miên, diễn ra tại khuôn viên rộng lớn của một giáo đường cổ xây theo lối Baroque kỳ vĩ ở ngoại ô Rome, nhằm quảng bá cho loạt sản phẩm mới của Hãng hương liệu Roses.
Con người, vật dụng, cảnh kỹ xảo… luôn hiện hữu trong những chiến dịch tiếp thị rầm rộ của các hãng nước hoa hàng đầu thế giới, giữa một thị trường âm ỉ nhưng sôi động bởi sức cạnh tranh khốc liệt. Chỉ nội riêng trong mùa hè vừa qua, hơn 500 thương hiệu nước hoa đã được các nhà mốt lần lượt tung ra, trong đó khoảng 1/3 vòng quay doanh số là dành cho công tác tiếp thị và quảng cáo.
Một điều tuy ít người biết, là phần “tỷ trọng” lớn nhất trong giá thành các loại nước hoa hàng đầu lại thuộc về bao gói, kiểu dáng và đương nhiên – quảng cáo. Đội quân bán hàng phát miễn phí cho những vị khách đầu tiên các lọ nước hoa mini mang mùi vị mới; còn lực lượng tiếp thị đông đảo luôn túc trực bên ngoài và cả bên trong các siêu thị khổng lồ, để “xịt” vào bất cứ người khách nào “vô tình” đi ngang, khiến họ buộc phải “làm quen” với hương liệu mới.
Chỉ riêng 2 tháng trước lễ Giáng sinh và mừng năm mới thường niên, 90% lượng nước hoa hàng năm tại Pháp đã được người tiêu dùng mua, cũng như gần 50% các sản phẩm hóa mỹ phẩm khác.
“Thị trường nước hoa trên thế giới hiện nay đang hoành hành nạn “ăn thịt lẫn nhau” – bà Petra Viatke Giám đốc điều hành (CEO) Nhà thương hiệu Muelhens ở Cologne (Đức) cho biết – Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn thúc đẩy đà lạm phát nói chung. Niềm tin vào mùi vị của công chúng đã lùi vào quá khứ, hầu như khó tìm được dạng khách hàng “chung thủy” với một loại hương liệu duy nhất như trước nữa…”.
“Giữa bối cảnh như vậy người ta vẫn mặc nhiên cho “ra lò” những sản phẩm mới, hòng chinh phục thị trường một cách không thương tiếc”, như nguyên văn lời nhà tạo mốt Italia gạo cội Tristano Onofri, người đang nổi danh trong giới kinh doanh hóa mỹ phẩm quốc tế với trụ sở chính đặt tại thành phố Dusseldorf (Đức), cùng mức “xuất xưởng” trung bình 3 sản phẩm nước hoa mới mỗi tháng.
Giới tạo mẫu thường áp dụng “tính kế thừa” trong việc cho xuất hiện các sản phẩm nước hoa mới, nhằm tăng mức thu nhập “thêm đồng nào hay đồng ấy”. Điển hình như Jil Sander – thủ cựu đã tung ra loại nước hoa “Woman”, đối chọi hiệu “X-Men” trước đó vậy.
Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực quảng cáo, thì ngành sản xuất nước hoa ở Đức trong năm 2017 vừa qua đã chi tới 750 triệu USD.
CEO P.Viatke lên tiếng phàn nàn: “Tuy chúng tôi đã quảng bá rầm rộ cho hiệu nước hoa siêu mới “Amun”, trong khuôn khổ cuộc triển lãm quy mô toàn cầu về đất nước Ai Cập, được tổ chức tại Berlin hồi đầu năm nay. Nhưng chúng tôi vẫn không “đủ can đảm” để chi cho việc thuê tàu thủy xuôi dòng sông Nile, với mục đích quảng cáo như người Mỹ được. Ví như Hãng mỹ phẩm lâu đời Revlon đã bỏ ra đến 80 triệu USD cho sự kiện này. Còn Phòng Nước hoa thuộc Nhà mốt Dior huyền thoại thì dư sức thuê cả hạm đội vượt dòng Nile, bởi chỉ trong vòng 2 tuần lễ cuối năm ngoái và đầu năm nay, Dior đã đầu tư tới 40 triệu USD cho việc quảng bá hiệu nước hoa siêu mới “Pure Poison…”.
“Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa phải là những người hào phóng nhất”, ông Sidney Toledano – CEO Hãng Dior lên tiếng bình luận thêm.
Thị trường nước hoa cho nam giới cũng phát triển rất sôi động trong những năm gần đây. Những hiệu bán chạy nhất hiện nay là “Police”, “Antaeus” và “Adidas” – chuyên cho cánh mày râu mê thể thao.
“Nam giới bây giờ đi tìm sự “ẩn náu” trong chính nước hoa – Giáo sư thỉnh giảng Joachim Messing, thuộc Học viện Thẩm mỹ học ứng dụng ở Fribourg (Đức), giải thích hiện tượng bùng nổ “cơn sốt” nước hoa trong giới đàn ông – Một sự “khủng hoảng cá nhân” phát xuất từ các phong trào của phụ nữ muốn được bình quyền về mọi mặt, do vậy mới sinh ra sự làm đẹp của các đấng mày râu.
Khởi đầu là nước hoa hiệu “Party” của Henry Beatrice gạo cội dưới khẩu hiệu: “Người đàn ông cần những gì mà họ muốn”. Kế đến, Giáo sư J. Messing chia nam giới thành 6 dạng khách hàng tiêu thụ các sản phẩm hương liệu là bình thường, mạnh mẽ, trầm lắng, tươi tắn, kiên định và galăng. Lẽ dĩ nhiên là cần có những loại nước hoa tương ứng cho họ.
Còn các chuyên gia ước tính rằng trong thập niên 2020 tới đây, những đấng mày râu thích xức nước hoa trên hành tinh sẽ chi chừng 1,4 tỉ USD/năm cho nhu cầu của họ. Để đáp ứng nhu cầu ấy, đơn cử như trong vòng 5 năm trở lại đây, các sản phẩm hương liệu dành cho đàn ông đã tăng lên gấp 3 lần.