Ngày 26/9, được sự chỉ đạo của VCCI, Báo DĐDN tổ chức tọa đàm trực tuyến về thực trạng của thị trường thực phẩm chức năng cũng như những giải pháp để thị trường hoạt động ổn định và lành mạnh.
Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi quản lý khá lỏng lẻo.
“Bát nháo” thị trường thực phẩm chức năng
Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả.
Nhằm tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh đối với sản phẩm TPCN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, qua đó giúp thị trường TPCN ngày càng phát triển, ngày 2/2/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định được kì vọng là “đòn bẩy” để thúc đẩy thị trường TPCN phát triển minh bạch và lành mạnh.
Nhằm giúp thị trường TPCN phát triển ổn định, lâu dài, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN và người tiêu dùng, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Thị trường TPCN: Thực trạng và giải pháp phát triển” từ 14h00 – 17h00 ngày 26/9 tại Hội trường 2, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Chương trình có sự tham dự của: TS Phạm Hưng Củng: PCT, Kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng VN; Ông Trần Văn Châu: Đại diện Cục an toàn thực phẩm – Bộ y tế; Ông Nguyễn Văn Lợi: Đại diện Cục Quản lý dược- Bộ Y tế; Ông Nguyễn Minh Tuấn: Tổng giám đốc thương hiệu Mother&care; Ông Nguyễn Phúc Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty dược Phúc Thành An; Bà Đỗ Việt Hương: Chủ tịch HĐQT Cty CP sản xuất Thương mại BioCosmestics; Bà Đào Minh Châu: Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Ruby’s Word; Bà Đỗ Thanh Phương – GĐ thương hiệu Phidias; Bà Đào Thanh Thủy – Giám đốc Cty CP Thương mại Kiết Tường.
Toàn cảnh về thực trạng thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam
Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, thị trường thực phẩm chức năng của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua, từ 60 cơ sở sản xuất đã lên tới 4.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với 7.000 sản phẩm lưu hành trên thị trường, đây là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi quản lý khá lỏng lẻo.
Đánh giá về thị trường TPCN hiện nay, TS Phạm Hưng Củng PCT, Kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam thông tin, thực phẩm chức năng có nhiều vai trò, trong đó có vai trò là làm đẹp, đẹp cả trong lẫn ngoài chứ không đơn thuần tác động từ bên ngoài như mỹ phẩm. Việt Nam là nước thuận lợi cho phát triển dược thảo, chúng ta có 4.000 cây, con cho sản xuất thực phẩm chức năng, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Kết hợp với sự phát triển của công nghệ nên chúng ta có nhiều điều kiện để đưa thảo dược thành sản phẩm cho sức khoẻ càng có điều kiện phát triển.
Giải pháp để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh
Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc thương hiệu Mother & Care, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng nêu vấn đề: thị trường TPCN cực kỳ tiềm năng nhưng vẫn được đánh giá là thị trường “lộn xộn”. Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường này?
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng giám đốc thương hiệu Mother & Care cho biết: Đúng là thị trường thực phẩm chức năng là thị trường vô cùng tiềm năng với nguồn nguyên liệu dồi dào, chỉ thua Trung Quốc nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất theo dạng quy mô gia đình và gia truyền, sản phẩm không có số đăng ký, bán tràn lan, thậm chí trà trộn chất cấm. Ví dụ như các sản phẩm tăng cân, giảm cân, đây là những sản phẩm bán rất chạy. “Tôi xin hỏi với thực trạng như vậy thì cơ quan chức năng xử lý thế nào? Nhận định thị trường thực phẩm chức năng rất “lộn xộn” có đúng không?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Siết chế tài với doanh nghiệp làm ăn chộp giật
Ông Trần Văn Châu thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc…
Theo đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm soát, thanh tra một cách chặt chẽ hoạt động này. Và ông Châu cũng kỳ vọng “trong thời gian tới, Bộ Y tế rất mong sẽ nhận được sự phối hợp bằng việc thông tin tới Cục những thông tin tiêu cực, những trường hợp doanh nghiệp kinh doanh chưa đúng”.
Đồng tình với ông Châu, ông Củng tin rằng, Bộ Y tế với các cơ quan chức năng như thanh tra bộ, cơ quan quản lý thị trường… kiên quyết xử lý các trường hơp vi phạm, những doanh nghiệp nào lựa chọn hành vi kinh doanh “chộp giật” sẽ sớm bị phát hiện và phải chịu chế tài thích đáng.
Nguồn: https://enternews.vn/