Người ta thường ước ao những thứ không có được, như mái tóc với đủ màu sắc theo ý thích, nhưng thuốc nhuộm tóc như con dao hai lưỡi, vừa đẹp vừa nguy hiểm.

Ngày nay, thay đổi màu tóc đã trở thành một sở thích làm đẹp vô cùng phổ biến đối với tất cả mọi người. Diễn viên nổi tiếng Bittany Murphy có câu nói: “Nếu bạn muốn thay đổi mọi thứ xung quanh mình, hãy bắt đầu bằng việc nhuộm tóc”.

Điều đó chứng tỏ sức mạnh không nhỏ của mái tóc trong việc cải thiện hình ảnh cá nhân. Từ phủ đen tóc bạc, nhuộm nâu hạt dẻ bóng bẩy đến tóc vàng highlight cá tính với pastel, ombre, thậm chí nhiều tông màu rực rỡ trên cùng một mái tóc cũng không còn là điều quá xa lạ.

Nhưng liệu thuốc nhuộm tóc có gây hại không? sự thật về chất có thể biến hóa màu tóc của bạn là gì? Một khi hiểu rõ những điều này, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc mức độ nhuộm tóc thường xuyên của mình, hoặc chọn những màu sắc nào ít ảnh hưởng tiêu cực đến tóc nhất.

Thuốc nhuộm tóc – từ những ước mơ về màu sắc

iệc nhuộm tóc thật ra đã xuất hiện từ rất lâu, từ thời Ai Cập cổ đại. Lá cây henna, tro đốt của các loại hạt. Thậm chí cả con đỉa ngâm trong bình đựng chì cũng được tận dụng để tạo ra hỗn hợp phủ đen và bóng, dành cho tóc bạc nhưng mang lại kết quả không bền màu.

Qua nhiều năm tìm kiếm thì bỗng nhiên vào giữa thế kỷ 19, William Henry Perkin lại tình cờ tìm ra chất “mauveine” trong quá trình bào chế thuốc chống sốt rét, làm nền tảng để không lâu sau đó, August Hofmann phát minh ra thuốc nhuộm hóa học có chứa chất PPD (para-phenylenediamine), đây là nguyên liệu cơ bản cho hầu hết các loại thuốc nhuộm ngày nay.

Kể từ đó, nền công nghiệp hóa chất dành cho tóc phát triển song song cùng vòng xoáy của ngành làm đẹp thế giới, với nỗ lực tạo thêm nhiều màu mới. Điều đó đồng nghĩa với việc các hóa chất được thêm vào ngày càng nhiều hơn. Đây là nguyên nhân phá hủy cấu trúc tự nhiên của một sợi tóc nguyên gốc khỏe mạnh. Amoniac và hydrogen peroxide (chất oxy hóa) đóng vai trò chủ chốt trong việc phá hỏng các liên kết cysteine của keratin. Từ đó lớp vỏ này phồng lên, mở ra và tạo điều kiện cho các phân tử màu li ti dễ dàng đi sâu vào bên trong lõi tóc. Các phân tử màu kết hợp với nhiều hóa chất khác như chất làm dày, melanin… rồi trở nên lớn hơn, nên không thể ra khỏi cánh cửa nhỏ là các biểu bì keratin, đó chính là lý do màu nhuộm được lưu giữ một thời gian dài trong sợi tóc.

Quá trình này phá hỏng trật tự sắp xếp nguyên bản của các lớp keratin, rửa trôi đi các axit béo tự nhiên nên tóc mất khả năng duy trì độ ẩm, mãi mãi không thể phục hồi độ chắc khỏe, đàn hồi bóng mượt như ban đầu. Từ đó tóc sẽ trở nên mảnh, khô hơn, dễ gẫy rụng, xơ, rối, khó vào nếp.

Bạn có thể hiểu rằng nếu nhuộm tẩy màu càng sáng, lưu giữ càng lâu thì càng chứa nhiều hóa chất làm hỏng tóc. Bây giờ bạn đã biết thuốc nhuộm tóc có gây hại hay không rồi đó?

Đến tác dụng phụ không ngờ từ thuốc nhuộm tóc

Theo Will Francis, một chuyên gia về màu nhuộm tóc tại Sally Hershberger Downtown NYC cho biết: “Những hóa chất có hầu hết trong thuốc nhuộm phổ biến hiện nay đều có thể ảnh hưởng đến da, phế quản, phổi.”

Với câu hỏi thuốc nhuộm tóc có gây hại anh khuyên các khách hàng không nên tự ý sử dụng thuốc nhuộm tóc tại nhà. Vì các thuốc nhuộm tóc không rõ xuất xứ, dùng quá liều lượng, có thể chứa nhiều hóa chất độc hại hơn so với thuốc được sử dụng trong salon, vốn chứa ít các hạt màu. Tự nhuộm tóc tại nhà có thể dẫn đến màu tóc vừa không bóng đẹp, không đều màu, vừa hư tổn tóc và da đầu.

Đồng thời anh còn đưa thông cáo tới các hãng mỹ phẩm tóc, rằng họ bắt buộc phải in thông tin trên vỏ hộp giúp người tiêu dùng lưu ý cẩn trọng hơn để tránh các vấn đề về sức khỏe không mong muốn. Do hóa chất có thể ngấm qua da đầu, đi vào các mạch máu. Vì thế, theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, tỷ lệ ung thư vú, ung thư bàng quang, bệnh bạch cầu, đa u tủy ở những phụ nữ sử dụng thuốc nhuộm tóc thường xuyên cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc trong 30 năm gần đây.

BÍ QUYẾT SỬ DỤNG THUỐC NHUỘM TÓC AN TOÀN

  • Thử sản phẩm vào phần da trên cánh tay hay sau tai để tránh dị ứng.
  • Lựa chọn salon uy tín và trao đổi với chuyên viên làm tóc kỹ càng.
  • Sử dụng những sản phẩm chất lượng, có thông tin rõ ràng và không chứa amoniac.
  • Dùng thuốc nhuộm có nhiều thành phần thiên nhiên.
  • Tránh tẩy tóc thường xuyên và nhuộm các màu quá sáng trong thời gian dài.
  • Không nhuộm liên tiếp trong vòng 6 tháng, đặc biệt với phụ nữ mang thai nên hạn chế thay đổi màu tóc.
  • Sau khi nhuộm nên sử dụng tinh dầu argan, hạt macadamia để bổ sung độ ẩm cho tóc.
  • Đội nón, xịt chống nắng để tóc không bị cháy khi ra ngoài.
Nguồn herworldvietnam